Khiếm thực

Mặt ngoài đã bỏ vỏ nhẵn màu trắng xám, mặt cắt ngang màu trắng ngà có tinh bột, không mùi, vị nhạt, đem phơi hoặc sấy khô, sao vàng , bảo quản dùng dần.

Theo Đông y, khiếm thực tính bình, vị ngọt, chát, có công dụng bổ tỳ, ích thận, cố tinh, được dùng làm thuốc bổ an thần, thuốc cho người cao tuổi, thân yếu, lưng đau, mắc chứng tiểu đêm. Khiếm thực phối hợp với các vị thuốc khác chữa mộng tinh, di tinh, hoạt tinh...Theo y học hiện đại, khiếm thực hàm chứa nhiều béo, chất bột, đường và các nguyên tố vi lượng có tác dụng bổ dưỡng, nâng cao sức khỏe.

Chữa viêm phế quản mạn tính, người già hư suyễn: Khiếm thực 50g, táo nhân 10g, cùi hồ đào 10g, gạo tẻ 100g. Khiếm thực đập dập, hồ đào nghiền cả vỏ. Các vị trên cho vào nấu cháo như bình thường, thêm đường phèn vừa đủ. Chia ăn ngày 2 lần.

Chữa thận hư, khí nhược, tiểu tiện đục: Khiếm thực 15g, phục linh 10g, gạo tẻ vừa đủ. Khiếm thực, phục linh giã nát, sắc trước với nước cho mềm, cho gạo vào nấu cháo. Ăn liền trong 5-7 ngày.

Chữa di mông tinh, mất ngủ: khiếm thực 10g, hạt sen 40g, phục thần 20g. Các vị đun nhỏ lửa cho mềm, thêm đường, bỏ bã phục thần, ăn hạt sen, khiếm thực, uống nước.

Chữa thận hư, di tinh, đái dầm, tỳ hư, đại tiện lỏng: khiếm thực 20g, hạt kim anh 15g, gạo lứt 100g, đường phèn vừa đủ. Hạt kim anh bỏ nhân cùng khiếm thực sắc lấy nước bỏ bã, cho gạo lứt vào nấu cháo, cháo chín, thêm đường vừa đủ, ăn trong ngày.

Chữa khí hư, thận hư, di tinh, tiểu không tự chủ: khiếm thực 30g, ngân hạnh 10g, gạo nếp 30g. Nấu cháo ngày 1 lần. 7-10 ngày là 1 liệu trình.

Chữa chứng tiểu đêm, lưng đau, gối mỏi, tỳ hư, ăn uống kém: khiếm thực sao vàng, tán bột mịn, ngày 2 lần, mỗi lần 8g, uống với nước sắc phá cố chỉ, ích trí nhân mỗi vị 6g.

Chữa thần kinh suy nhược, viêm ruột mạn tính: khiếm thực và kim anh tử hai vị bằng nhau, tán nhỏ, thêm mật hoàn viên. Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 4 g.

Chữa các chứng tỳ hư bất vận, tiêu chảy lâu ngày không dứt, ăn uống kém, thiếu lực, cơ thể mệt mỏi: khiếm thực 30g, biển đậu 30g, liên nhục 30g, phục linh 30g, bạch truật 30g, sơn dược 30g, nhân sâm 8g, hạt ý dĩ 30g. Các vị trên tán bột mịn, ngày uống 2-3 lần pha với nước sôi, thêm đường cho dễ uống, mỗi lần 6g.

DS. Nguyễn Thị Hồng

Ba đậu trị táo bón, báng nước

Ba đậu còn gọi giang tử, mãnh tử nhân, lão dương tử, mắc vát, ba nhân. Ba đậu là hạt chín già khô của cây ba đậu (Croton tiglium L.), thuộc họ thầu dầu (Euphorbiceae). Ba đậu chứa dầu, chất protien, glucozid (crotonozit), albuminoza (crotin) rất độc, có alcaloid độc gần giống rixinin trong hạt thầu dầu…

Theo Đông y, ba đậu vị cay, tính nhiệt, độc nhiều; vào kinh vị và đại tràng.

Có tác dụng ôn thông hàn tích, tháo nước, tiêu thũng; chỉ tả sát trùng. Chữa các chứng táo bón do hàn tích, bụng nước cổ trướng, đàm tắc hầu tý, phế ung, tiêu chảy kéo dài do hàn, chàm ghẻ lở loét (ác sang giới tiên), ung nhọt sưng.

Liều dùng: 0,16g - 0,47g.

Chú ý: Ba đậu thuộc nhóm thuốc độc bảng A, nên khi chế biến và sử dụng, cần thực hiện đúng quy chế thuốc độc của Bộ Y tế. Cách chế ba đậu trong “Phương pháp bào chế Đông dược - Viện Đông y Trung ương”: Bỏ vỏ, giã cho nhỏ, bọc giấy bản, ép, thay giấy bản, lại ép đến khi nào dầu không thấm ra nữa thì thôi, sao qua cho vàng (ba đậu sương); liều dùng 0,02g - 0,05g/ngày. Loại ép hết dầu rồi sao đen, gọi là “hắc ba đậu”; liều dùng có thể đến 1g/ngày.

Ba đậu trị táo bón, báng nướcBa đậu (hạt chín già khô của cây ba đậu) là vị thuốc trị táo bón, thủy thũng, viêm niêm mạc dạ dày, đau bụng…

Nếu uống ba đậu vẫn không đại tiện được thì ăn thêm cháo loãng nóng. Nếu đại tiện mãi không thôi thì ăn cháo loãng nguội. Nếu ngộ độc, dùng hoàng liên, đỗ xanh đun sắc uống để giải độc.

Một số bài thuốc trị bệnh có ba đậu:

Ôn trường, thông tiện: Dùng khi tỳ hàn không vận, thức ăn tích trệ không tiêu, bí đại tiện. Dùng bài Hoàn tam vật bị cấp: ba đậu (bỏ vỏ và dầu), gừng khô, đại hoàng, liều lượng bằng nhau. Các vị nghiền chung thành bột, luyện với mật làm hoàn. Mỗi lần uống 0,8g - 1,2g, chiêu với nước đun sôi. Trị hàn tích táo bón, ngực bụng trướng đau, thổ gấp, cấm khẩu, đột nhiên ngã lăn quay.

Tháo nước tiêu thũng: Dùng khi bụng thuỷ thũng.

Bài 1: ba đậu, hạnh nhân, liều lượng bằng nhau, làm thành hoàn. Mỗi lần uống 0,4g - 0,8g, chiêu với nước đun sôi. Trị thuỷ thũng. Lưu ý trong khi dùng thuốc không được uống rượu.

Bài 2 - Hoàn ba giáng: ba đậu 12g (bỏ dầu), giáng phàn 63g. Hai vị làm thành hoàn. Mỗi lần uống 1g - 2g, ngày 1 lần. Trị bệnh sán máng (Schistosomiase) thời kỳ cuối, bụng có nước.

Trị viêm niêm mạc dạ dày, đau bụng:

Bài 1: ba đậu sương 1g, cát cánh 3g, bối mẫu 3g. Tán bột trộn đều. Mỗi lần uống 0,2g với nước ấm.

Bài 2: ba đậu sương 0,5g, nhục quế 3g, trầm hương 2g, đinh hương 3g. Tán bột. Mỗi lần uống 0,5 - 1g với nước ấm.

Kiêng kỵ: Vị này cay nhiệt, rất háo, có độc; người thể hư, phụ nữ có thai không được uống. Ba đậu sợ khiên ngưu.

TS. Nguyễn Đức Quang

Trị ho do lạnh, ngủ không yên với cây hồ đào

Theo y học cổ truyền, nhân hồ đào vị ngọt, tính ấm, bổ thận, cố tinh, nhuận phế, định suyễn, nhuận tràng, trị thận hư ho suyễn, eo lưng đau, chân yếu, dương nuy, di tinh, đại tiện táo, bí tiểu luôn. Vỏ cách vị đắng, tính bình, bổ thận, sáp tinh, trị thận hư di tinh, hoạt tinh, đái dầm. Vỏ ngoài quả và cành lá vị đắng, tính bình, trị sưng hết ngứa sần, ngứa da trâu (ngưu bì tiên), ghẻ ngứa.

Cây hồ đào ta gọi là cây óc chó, có tên trong vị thuốc Đông y gọi hồ đào nhục, hạch đào. Cây được trồng ở một số vùng biên giới như Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng. Là loại cây sống lâu năm, có thể cao tới 20m, lá kép lông chim lẻ, thường có từ 7 - 9 lá chét, mép nguyên, không cuống, hình trứng thuôn, khi vò ra có mùi hăng đặc biệt. Hoa đơn tính cùng gốc họp thành đuôi sóc. Quả hạch, bọc trong một lớp vỏ nạc, khi chín không nứt, hạch rất cứng màu vàng, trong có chứa hạt rất nhiều dầu. Bộ phận dùng: nhân, vỏ ngoài quả, lá cành, hạt.

Nếu dùng lá thì hái suốt mùa hè, tốt nhất vào tháng 6 - 7, chọn lá xanh phơi khô có màu lục, mùi thơm và đắng chát. Dùng nhân thì thu hái vào tháng 9 - 10, hái quả chín về bọc lấy vỏ ngoài phơi khô dùng. Hạch gồm nhân và vỏ cứng, phơi khô gọi hồ đào, hạch đào, lấy quả hạch, đập lấy nhân phơi khô gọi hồ đào nhân.

Cây và quả hồ đào.

Một số bài thuốc thường dùng

Bổ huyết, mạnh gân cốt, nhuận cơ thể: Hồ đào nhục 160g, bột bổ cốt chỉ 160g, đỗ trọng 160g, tỳ giải 160g. Tán nhỏ hoàn viên bằng hạt ngô. Mỗi lần uống 20 viên lúc đói với nước đun sôi để nguội, dùng 15 ngày một liệu trình.

Tác dụng chắc răng, đen tóc: Hồ đào nhân sao qua, xuyên bối mẫu mỗi vị 160g. Tán nhỏ dùng hằng ngày 10g với nước ấm, dùng liền 2 tuần.

Bổ thận: Hồ đào cả vỏ 30 quả, thanh diêm 40g, bổ cốt chỉ, đỗ trọng mỗi vị 160g đem tẩm rượu sao, tỏi to 160g trộn nước gừng sao qua. Tất cả nghiền nhỏ rồi nhào thành cao cho ít mật viên như quả táo ta. Ngày uống 1 viên vào lúc đói với nước muối nhạt.15 ngày 1 liệu trình .

Trị cảm phong hàn người nóng không mồ hôi, đau đầu: Hồ đào nhục, trà búp, hành, gừng sống, mỗi vị 15g giã dập. Tất cả cho vào ấm đổ 500ml nước, sắc nhỏ lửa còn 250ml nước nước uống, đắp chăn ra mồ hôi là khỏi.

Trị ho do lạnh, ngủ không yên: Hồ đào nhục bỏ vỏ 40g, gừng sống 40g, hạnh nhân (bỏ vỏ, đầu nhọn) 40g. Nấu cô thành cao cho mật ong hoàn viên như quả táo ta. Mỗi lần nhai 1 viên, uống với nước gừng.

Trị đái buốt, đái rắt do nóng: Hồ đào nhục 100g, gạo 100g. Gạo tẻ ngâm cho nở đem nấu cháo ăn, ăn liên tục từ 5-7 ngày.

Do cơ địa khác nhau nên các vị thuốc có thể gia giảm cho phù hợp vì vậy khi áp dụng cần có sự tư vấn của thầy thuốc.

Bác sĩ Trần Thị Hải

Hồng đằng khử phong thông kinh lạc

Hỏi: Cây thuốc hồng đằng thường có ở đâu? Cây có công dụng gì?

(Trần Văn Quý - Đà Nẵng)

Trả lời: Hồng đằng còn gọi là thuyết đằng, đại hoạt đằng, hoạt huyết đằng, kê huyết đằng, đại huyết đằng, dây máu người.

Tên khoa học Sargentodoxa cuneata (Oliv.) Rehd. et Wils (Holboellia cuneata Oliv.).

Thuộc họ Huyết đằng Sargentodoxceae.

Tên huyết đằng vì thân cây cắt ra có chất nhựa màu đỏ như máu (huyết là máu, đằng là dây), kê huyết đằng là dây máu gà.

Mô tả cây

Cây huyết đằng (Sargentodoxa cuneata) là một loại dây leo, thân có thể dài tới 10m, vỏ ngoài màu hơi nâu. Lá mọc so le, kép, gồm 3 lá chét, cuống lá dài 4,5 - 10cm, lá chét giữa có cuống ngắn, lá chét hai bên gần như không cuống. Phiến lá chét giữa hình trứng, lá chét hai bên hình thận, dài 7 - 11cm, rộng 3,5 - 6,5cm. Mặt trên màu xanh, mặt dưới màu xanh nhạt. Hoa đơn tính, khác gốc, mọc thành chùm ở kẽ lá, cụm hoa dài tới 14cm, mọc thõng xuống. Hoa đực màu vàng xanh, 6 lá đài, 6 cánh tràng thoái hóa thành hình sợi, 6 nhị. Hoa cái gần như hoa đực, nhiều lá noãn, bầu thượng. Quả mọng hình trứng dài 8 -10mm, khi chín có màu lam đen. Mùa hoa vào các tháng 3 - 4, mùa quả vào các tháng 7 - 8.

Cây kê huyết đằng (Milletia nitida Benth.) cũng là một loại dây leo, lá mọc so le, kép, thường gồm 5 lá chét, cuống lá dài chừng 3 - 5mm, phiến lá chét dài 4 - 9cm, rộng 2 - 4cm, lá chét giữa dài và to hơn các lá chét bên. Gân chính và gân phụ đều nổi rõ ở cả 2 mặt. Cụm hoa thành chùm mọc ở đầu cành hay ở kẽ các lá đầu cành, cụm hoa dài chừng 14cm. Trục cụm hoa có lông mịn, hoa màu tím, đài hình chuông, tràng hoa hình cánh bướm. Quả giáp dài 7 -15cm rộng 1,5 - 2cm, đầu quả hẹp lại và thường thành hình mỏ chim, trên mặt có phủ lông mịn màu vàng nhạt. Hạt 3 - 5, đường kính ước 12mm, màu đen nâu. Mùa hoa vào các tháng 9 đến tháng 1 năm sau.

Cây kế huyết đằng (Milletia dialsiana Harms). Cũng gần như cây trên, hoa màu hồng.

Phân bố, thu hái và chế biến

Những cây cho vị huyết đằng và kê huyết đằng ở Việt Nam hiện chưa được xác định chắc chắn thuộc vào mấy loài. Nhân dân chỉ mới căn cứ vào khi chặt thân cây có những đám nhựa màu đỏ giống như máu mà lấy về dùng

Những cây này được khai thác nhiều nhất tại các tỉnh Hòa Bình, Hà Tây, Cao Bằng, Lạng Sơn, còn thấy nhiều tỉnh miền núi khác nhưng ít được khai thác.

Huyết đằng và kê huyết đằng có thể thu hái quanh năm, nhưng tốt nhất vào các tháng 9 -10 chặt toàn cây về phơi khô, cắt bỏ lá cành, có nơi cắt thành từng đoạn ngắn hay miếng mỏng rồi mới phơi hay sấy khô.

Công dụng và liều dùng

Huyết đằng còn là một vị thuốc dùng trong phạm vi nhân dân. Nó được dùng từ lâu đời.

Đông y coi vị huyết đằng có vị đắng, tính bình có khả năng khử phong thông kinh lạc, đau bụng giun. Ngày dùng 12g - 40g dưới dạng thuốc sắc.

Kê huyết đằng có vị đắng tính ôn, có tác dụng bổ huyết, thông kinh lạc, khỏe gân cốt, dùng chữa đau lưng, đau mình, kinh nguyệt không đều. Ngày dùng 6 -12g dưới hình thức thuốc sắc hay ngâm rượu.

GS. ĐỖ TẤT LỢI

((Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam))

Cách dùng bưởi chữa ho, đau đầu

Các thành phần của cây bưởi còn được dùng làm thuốc trong y học cổ truyền. Nghiên cứu hiện đại cho thấy, bưởi có tác dụng chống viêm rõ rệt thông qua cơ chế cải thiện mạng lưới vi tuần hoàn tại chỗ, ức chế quá trình ngưng kết tập tiểu cầu, chống phù nề, nâng cao sức bền thành mạch và sức chống đỡ của cơ thể với các tác nhân gây bệnh. Có tác giả cho rằng, dịch ép quả bưởi còn có chứa một chất giống như insulin có khả năng làm hạ đường máu.

Theo dược học cổ truyền, lá bưởi có vị cay, tính ấm, được dùng để chữa các chứng đau đầu do phong tà, viêm khớp dạng thấp thể hàn thấp, đau bụng do thực trệ. Cùi bưởi vị cay ngọt đắng, tính ấm, vào ba kinh tỳ, thận và bàng quang, có công dụng hóa đàm, tiêu thực, hạ khí và làm khoan khoái lồng ngực. Sách Bản thảo cương mục khuyên nên dùng lá bưởi và hành củ giã nát đắp vào huyệt thái dương (ở sau đuôi mắt 1 tấc, mỗi bên 1 huyệt) để trị chứng đau đầu do phong, lá bưởi và gừng tươi giã nát rồi trộn với một chút dầu trẩu đắp tại chỗ để điều trị viêm khớp cấp. Tinh dầu bưởi còn có tác dụng giải rượu và bôi lên các vùng tóc rụng để kích thích mọc tóc.

Cùi bưởi trắng chữa ho, trị đau bụng, ruột bưởi (múi) chữa nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt.

Cùi bưởi trắng chữa ho, trị đau bụng, ruột bưởi (múi) chữa nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt.

Dưới đây là một số bài thuốc thường dùng:

Chứng ho hen ở người già: cùi 1 quả bưởi, cạo bỏ phần trắng rồi thái vụn, cho vào bát cùng với một lượng vừa đủ kẹo mạch nha hoặc mật ong, hấp cách thủy cho nhừ, mỗi ngày ăn 2 lần, mỗi lần 1 thìa; hoặc cùi 1 quả bưởi rửa sạch thái chỉ, hãm với nước sôi uống thay trà trong ngày; hoặc ăn cùi bưởi thái vụn chưng với dầu hạt hoa mào gà.

Trị đầu đau nặng như đeo đá, buồn nôn, hoa mắt chóng mặt, lưỡi bệu, rêu lưỡi dày trắng và dính: múi bưởi 500g, mật ong 350g, đường trắng vừa đủ. Múi bưởi, ướp với đường trắng 1 đêm, hôm sau đổ vào nồi chưng kỹ rồi cho mật ong vào quấy đều, bắc ra để nguội rồi đựng trong bình kín để dùng dần, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 3g.

Trị đau bụng do lạnh: cùi bưởi 2 phần, trà 4 phần, thanh đằng hương 2 phần, tất cả đem sấy khô, tán bột, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 6g; hoặc dùng bài: cùi bưởi 12g sắc với 300ml nước còn 100ml, chia uống vài lần trong ngày.

Trị áp-xe vú: lá bưởi 15g, thanh bì 30g, bồ công anh 30g, sắc uống hàng ngày.

Thức ăn đình trệ, chậm tiêu: cùi bưởi, sa nhân, kê nội kim và thần khúc, lượng bằng nhau từ 4-6g, sắc uống.

Trị sán khí: cùi bưởi khô sao vàng 10g, sắc uống hàng ngày. Hoặc hạt bưởi 6-9g, sắc uống.

Phụ nữ mang thai nôn nhiều: cùi bưởi 4-12g, sắc uống.

Trị viêm loét ngoài da: cùi bưởi tươi lượng vừa đủ sắc lấy nước ngâm rửa.

Chữa các chứng đau dạ dày, đau tức ngực: hoa bưởi 2-4g, sắc uống, có tác dụng hành khí, tiêu đờm, giảm đau.

Trị đau đầu: ăn bưởi (múi bưởi tươi) đồng thời dùng lá bưởi và hành củ giã nát đắp lên huyệt thái dương.

Chữa chốc đầu: hạt bưởi bóc vỏ cứng rồi đốt cháy thành than, nghiền nhỏ rồi rắc lên vùng tổn thương, mỗi ngày 2 lần, liên tục trong 6 ngày.

DS. Khánh Mai

Cây thuốc, bài thuốc chữa trị viêm xoang

Điều trị chủ yếu là lợi thấp, thông khiếu kết hợp với thanh tiết đởm nhiệt...

Viêm xoang phân thành 2 loại theo tiến trình thời gian: viêm xoang cấp tính và viêm xoang mạn tính. Sự phân chia này dựa theo thời gian tồn tại triệu chứng của bệnh lý. Khi bệnh viêm xoang kéo dài khoảng 4 tuần và chấm dứt bệnh nhân được xếp vào trường hợp bệnh viêm xoang cấp tính. Nếu bệnh kéo dài trên 8 tuần được xem là viêm xoang mạn tính. Còn nếu bệnh chấm dứt trước 8 tuần hoặc sau 4 tuần thì gọi là bán cấp.

Viêm xoang theo nhiều nguyên nhân

Nhiễm khuẩn: không khí ô nhiễm, bụi, khói bếp, thuốc lá, ao hồ bẩn… không vệ sinh. Môi trường này chứa nhiều vi khuẩn nấm mốc. Vi khuẩn vào mũi gây viêm mũi và sau đó chuyển thành viêm xoang. Ngoài ra, viêm xoang còn do vệ sinh cá nhân kém, không thường xuyên vệ sinh cá nhân đầy đủ. Vi khuẩn sẽ vào mũi gây viêm mũi, sau đó viêm xoang.

Dị ứng: cơ địa dị ứng một chất nào đó, thường là hóa chất, thức ăn biển… làm cho niêm mạc mũi phù nề, gây bít tắc lỗ thông xoang, xoang bít tắc sẽ bị nhiễm trùng khi bị viêm xoang với nguyên nhân này, nên sử dụng thuốc chống dị ứng và cải thiện môi trường sống.

Cây thuốc, bài thuốc chữa trị viêm xoangKim ngân hoa

Thoái hóa niêm mạc thành polyp, liên quan đến nấm dị ứng. Cũng có trường hợp đặc biệt là viêm xoang do nhiễm trùng răng hàm trên. Vi khuẩn ở lỗ sâu răng đưa vào xoang gây viêm nhiễm tụ mũ rất hôi. Viêm xoang cũng có thể xảy ra do thay đổi áp lực đột ngột, nhất là khi bay lên cao và lặn sâu xuống nước quá nhanh. Ngoài ra, viêm xoang cũng có thể do chấn thương. Nhưng trường hợp này rất hiếm gặp.

Các loại thuốc thường sử dụng

Kim ngân hoa: có vị ngọt, tính hàn. Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát khuẩn, dùng chữa viêm xoang. Ngoài ra còn chữa mụn nhọt, mẩn ngứa, phát ban, thấp khớp…

Ké đầu ngựa: còn gọi là thương nhĩ tử có vị ngọt nhạt, hơi đắng, tính bình, có tác dụng tiêu độc, sát khuẩn trừ thấp. Dùng chữa viêm xoang, ngoài ra còn dùng chữa mụn nhọt, mẩn ngứa, đau răng.

Cây cứt lợn: còn gọi là hy thiêm thảo có vị đắng, tính hàn, có tác dụng trừ thấp, hoạt huyết, bổ huyết. Dùng để chữa viêm xoang ngoài ra còn chữa đau lưng, mỏi gối, tê liệt tay chân, nửa người.

Tân di: vị cay, tính ấm có tác dụng tán phong nhiệt trên, thông khiếu. Dùng chữa viêm xoang, ngoài ra còn trị ngạt mũi, nhức đầu phong, ngạt mũi khó thở, mọc nhọt trong mũi.

Rau diếp cá: còn có tên là ngư tinh thảo có vị chua, mùi tanh, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu thũng, sát khuẩn. Dùng chữa viêm xoang, ngoài ra còn dùng chữa đinh nhọt, bí tiểu, kinh nguyệt không đều, viêm phổi,đau mắt đỏ…

Các bài thuốc chữa viêm xoang

Viêm xoang cấp tính: phải thanh phế nhiệt, giải độc là chính. Dùng bài thuốc với các vị thuốc: kim ngân hoa 16g, ké đầu ngựa 16g, chi tử 8g, mạch môn 12g, hy thiêm thảo 16g, ngư tinh thảo 16g.

Viêm xoang mạn tính: phải dưỡng âm, nhuận táo thanh nhiệt giải độc là chính. Dùng bài thuốc với các vị thuốc: sinh địa 16g, huyền sâm 12g, đan bì 12g, mạch môn 12g, kim ngân hoa 16g, ké đầu ngựa 16g, trần bì 8g, hoàng cầm 12g.

Các bài thuốc trên cho 750ml nước sạch sắc kỹ cho tới khi còn 250ml, chia đều thành 3 lần uống lúc thuốc còn ấm trong ngày.

Xì mũi đúng cách: xì mũi là phản ứng tự nhiên của cơ thể nhằm tống các chất ứ đọng, giúp lấy lại sự thông thoáng. Động tác này tuy đơn giản, nhưng nếu không đúng cách sẽ rất nguy hiểm vì có thể khiến tình trạng viêm xoang trở nên nghiêm trọng hơn. Mũi luôn tiết ra dịch. Chất nhầy từ các xoang chảy tới mũi cũng chứa dịch. Khi bị kích thích bởi một yếu tố (lạnh - ấm, hơi khí, bụi...), mũi và xoang sẽ tiết ra nhiều dịch đặc hơn, gây ứ đọng. Để giúp chất nhầy dễ thoát ra ngoài xoang, nên bịt một lỗ mũi, một bên thoáng, hơi cúi đầu, miệng ngậm, thở mạnh ra, xì từng bên một. Đổi bên và làm lại như vậy 2 - 3 lần cho sạch. Khi xì mũi, nên sử dụng khăn hoặc giấy vệ sinh che ở trước lỗ mũi nhằm ngăn các chất xì tung toé, làm bệnh lan truyền.Xông hơi nóng: tắm hơi nước nóng dưới vòi hoa sen, mỗi lần khoảng 5 - 10 phút. Hơi nóng có tác dụng làm thông xoang, thông mũi, cảm giác khó thở, đau nhức, cũng dịu lại. Thực hiện liên tục hằng ngày sẽ đem lại hiệu quả rất tốt. Ngoài ra, cũng có thể hít hơi nóng (xông hơi) bằng cách mua một ít là xông, trong đó có bạc hà về nấu, xông cả người haymúc ra một bát lớn nước, cho tinh dầu vào hít hơi nóng bốc lên.Rửa hốc mũi: nên chuẩn bị một vài lọ nước muối sinh lý 0,9% có bán tại các nhà thuốc để vệ sinh hốc mũi hằng ngày, việc này nhằm ngăn vi khuẩn thâm nhập sâu vào xoang trong, gây đau nhức, khó chịu. Nếu có điều kiện thì tự pha một thìa cà phê muối vào hai tách nước ấm, kèm theo một nhóm bicarbonat. Trước hết rót nước muối vào một bát đủ rộng, ngửa đầu ra sau, rồi bịt một bên lỗ mũi, hít nước vào lỗ bên kia, nhẹ nhàng xì mũi ra. Đổi bên và làm ngược lại.

BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ

Chữa cảm sốt bằng cây cúc tần

Cây cúc tần còn gọi là cây từ bi, cây lức... có tên khoa học Pluchea indica Less thuộc họ cúc (Compositae). Ở nước ta cây mọc hoang và được trồng khắp nơi, thường trồng làm hàng rào cây xanh và lấy lá làm thuốc. Cây nhỏ cao 2-3m, cành gầy; lá gần giống hình bầu dục, hơi nhọn đầu, gốc thuôn dài, mép lá có răng cưa, mặt dưới có lông mịn, phiến dài 4-5cm, rộng 1-2,5cm. Toàn cây (lá, cành, rễ) đều có thể dùng làm thuốc. Lá thường dùng tươi (hái lá non và lá bánh tẻ) thu hái quanh năm, cành và rễ thường dùng khô, làm thuốc.

Trong toàn cây chủ yếu có tinh dầu mùi thơm đặc trưng. Theo y học cổ truyền: cúc tần có vị đắng, cay, thơm, tính ấm. Chủ trị cảm sốt ho, bụng trướng, nôn oẹ, tiêu độc, tiêu đờm, bí tiểu tiện, phong thấp, đau mỏi lưng. Dùng dưới dạng thuốc sắc (ngày uống 10-20g) hay thuốc xông. Dùng ngoài không kể liều lượng.

Chữa nhức đầu cảm sốt:Lá cúc tần tươi 2 phần, lá sả một phần, lá chanh một phần (mỗi phần khoảng 8-10g) đem sắc với nước, uống khi còn nóng. Cho thêm nước vào phần bã đun sôi, dùng để xông.

Cũng có nơi nhân dân dùng lá cúc tần phối hợp với lá bàng (có tính mát) và lá hương nhu, sắc uống có công dụng chữa cảm sốt.

Chữa đau mỏi lưng: Lấy lá cúc tần và cành non đem giã nát, thêm ít rượu sao nóng lên, đắp vào nơi đau ở hai bên thận.

Chữa chấn thương, bầm giập: Lấy lá cúc tần giã nát nhuyễn đắp vào chỗ chấn thương sẽ mau lành.

BS.Vũ Nguyên Khiết